Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Hiện nay, phát triển ngành công nghiệp khoáng sản là yêu cầu tất yếu của các nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu phát triển hợp lý, ngành công nghiệp khoáng sản sẽ phát huy được nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là tài sản quan trọng phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, hoạt động này gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội như: làm mất đi thảm thực vật; thay đổi cảnh quan sinh thái; xói mòn đất canh tác, phát thải làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí; bên cạnh đó, còn có nguy cơ gây ra các sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Do đó, việc khai thác khoáng sản một cách hợp lý và bền vững đang là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý của các ngành và địa phương.
Đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm: Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt; Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng, được che chắn bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.
Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ, chế biến khoáng sản phải được đánh giá tác động môi trường, khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản khác có chất phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về an toàn hóa chất, năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản tại các địa phương
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trong và sau khai thác đã được các cấp chính quyền Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững. Ông Nguyễn Thanh Điện – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 60 mỏ đất, đá, cát được cấp phép khai thác làm vật liệu thông thường, điểm mỏ làm nguyên liệu sản xuất gạch. Ngoài việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc giữa các Sở, ngành, UBND các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát hoạt động tại các điểm mỏ, đặc biệt là việc chấp hành bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Tỉnh Phú Thọ là địa phương có trữ lượng khoáng sản thấp và giá trị kinh tế theo từng loại không cao, chủ yếu là vật liệu xây dựng và một số loại khoáng sản khác như sắt, cao lanh, mica với quy mô phân tán nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 102 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, trong số đó có 13 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 15 mỏ sét, 13 mỏ cao lanh, 41 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 4 mỏ sắt, 2 mỏ dolomit – talc,… Ngoài ra, còn có 14 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng trên địa bàn tỉnh được tăng cường về nhiều mặt. Công tác cấp phép khai thác khoáng sản và tổ chức khai thác khoáng sản được thực hiện đảm bảo theo quy định, không để xảy ra những điểm nóng về môi trường,…
Còn tại Tây Ninh, với sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành và địa phương có liên quan, đặc biệt được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, công tác cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được quan tâm thường xuyên và từng bước đi vào nề nếp, các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và gia hạn đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là 100%.
Như vậy, có thể thấy, các địa phương có tiềm năng khai thác khoáng sản đã quan tâm để công tác bảo vệ môi trường theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được quan tâm thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường, kịp thời kiến nghị giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường; Chủ động triển khai có hiệu quả công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, bởi đây là một công cụ kinh tế hữu hiệu, gắn trách nhiệm kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường.