Các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến Quy hoạch khoáng sản (Quyết định 866) làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế ở khu vực này.
Ngày 23-6, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3. Trong đó, nội dung được bàn nhiều nhất hội nghị là quy hoạch khoáng sản đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều tỉnh Tây Nguyên.
Chồng lấn quy hoạch, 50% diện tích một huyện thành vùng khoáng sản
Tại hội nghị, bên cạnh đề xuất các cơ chế phát triển vùng Tây Nguyên, lãnh đạo nhiều tỉnh cho rằng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 866 – PV) đang làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của nhiều tỉnh Tây Nguyên.
Lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do chồng lấn giữa vùng bị tác động từ Quyết định 866 với Quy hoạch sử dụng đất (tại Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ), để các tỉnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân về các vấn đề đất đai, xây dựng.
Ông Lê Văn Chiến – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Đắk Nông đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Ông Chiến cho rằng sự chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh (như các dự án điện gió, sản xuất nhôm, sản xuất alumin), mà còn ảnh hưởng đến các dự án trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, địa phương đã nhiều lần báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tổng lực rà soát, sửa Luật Khoáng sản
Ông Trần Quý Kiên – thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – nhìn nhận những vướng mắc các tỉnh Tây Nguyên nêu liên quan đến Quyết định 866 là có thật, những thiệt hại trong phát triển kinh tế cũng đã có.
Vị thứ trưởng cũng cho hay quá trình ban hành Quyết định 866, nhiều tỉnh đề xuất vượt quá khả năng triển khai thực tế đến năm 2030 (thời hạn chi phối của quyết định – PV).
Đây là cơ sở để chuyển những vùng không liên quan đến khai thác khoáng sản trong thời gian ngắn vào vùng dự trữ. Khu vực nằm trong vùng dự trữ có thể thực hiện các hoạt động kinh tế – xã hội như bình thường.
Nhìn nhận mức độ cần thiết và gấp rút, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương Tây Nguyên tổng lực rà soát theo ý kiến của Thứ trưởng Trần Quý Kiên.
Nếu cần, kiến nghị sửa Luật Khoáng sản
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trao đổi: “Tôi cho rằng Quyết định 866 điều chỉnh có liên quan đến Luật Khoáng sản. Do đó phải tổng lực rà soát thực tế khai thác của vùng Tây Nguyên, đối chiếu với Quyết định 866. Điều gì có liên quan đến Luật Khoáng sản thì kiến nghị sửa đổi Luật Khoáng sản.
Phải gấp rút vì Luật Khoáng sản sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10-2024. Nếu không làm trong giai đoạn này thì Lâm Đồng, Đắk Nông… còn khổ dài dài”.